Không gian buổi chiều hôm nay yên tĩnh đến lạ. Nhìn lên màn hình, biểu tượng chiếc loa im lìm, câm lặng, như chính tâm hồn đã lâu không được tưới tắm.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi bâng khuâng nhớ về bộ phim Heaven and Earth – “Trời đất đảo lộn”. Nhưng không phải là nỗi nhớ day dứt, mà là sự suy tư về cách nhìn nhận những quan điểm và mảnh đời trong quá khứ và hiện tại. Đó là số phận con người trong những thời kỳ chuyển giao của vận mệnh đất nước, hoặc chính là sự bất lực trước những biến đổi xung quanh. Những con người nhỏ bé, bị giằng xé, tàn phá và cuốn theo từng sự kiện lịch sử to lớn. Chúng ta dường như không thể làm chủ bản thân, không thể bảo vệ gia đình, người thân yêu, ngôi làng nhỏ bé, hay đất nước – dù trong tim vẫn rực cháy ngọn lửa yêu thương.
Khi những người thân yêu phải chịu đau đớn và phán xét, bản thân ta bị vùi dập cả về thể xác lẫn tâm hồn. Liệu chúng ta có thể giữ được lòng bao dung, niềm tin và lập trường cho một tình yêu lớn lao, nhưng không rõ ràng? Ta chỉ mong muốn bảo vệ hạnh phúc nhỏ nhoi, lành lặn và bình dị trong cuộc sống hàng ngày của mình và những người xung quanh. Không có gì là hoàn hảo, chỉ có sự phù hợp nhất mà thôi.
Giống như những người yêu nước, chúng ta thường không muốn nhìn thấy khuyết điểm của nơi mình yêu dấu. Chúng ta có thể phủ nhận, từ chối, lên án hoặc xa lánh, nhưng cần phải giữ cho mình sự độc lập và minh bạch. Phải chấp nhận cả điều tốt lẫn điều xấu, tích cực và tiêu cực, bởi mọi thứ đều có hai mặt. Đứng từ từng góc nhìn để hiểu nó, đứng từ tổng thể để bao quát nó. Không phải để ngừng yêu thương, mà để yêu thương rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và phát triển hơn.
Phùng Thị Lệ Lý đã từng sống một cuộc đời rất đỗi bình dị. Cô lớn lên trong một ngôi làng nhỏ yên bình, với tín ngưỡng thuần khiết và một gia đình tràn đầy yêu thương, nuôi cô khôn lớn với tâm hồn đầy hạnh phúc. Nhưng sự thay đổi của đất nước mang theo những sự bất lực. Chúng ta không thể đứng ở giữa, phải chọn hoặc bị chọn. Gia đình cô, từng chịu sự áp bức của chế độ cũ, cũng bị chế độ mới vô tình đẩy vào con đường mất niềm tin. Từ tình yêu gia đình, quê hương, Lý dần chuyển sang tình yêu đất nước, rồi cuối cùng lại bị giằng xé, đặt ra những câu hỏi đầy hoài nghi về niềm tin đã từng có. Cuối cùng, tình yêu thực sự chỉ còn thu gọn lại cho người thân, con cái và người đàn ông cô yêu – dù đó là kẻ thù của dân tộc.

Cha của Lý từng nói, không cần trả lời câu hỏi đúng sai, chỉ cần trả lời điều gì xứng đáng với tình yêu của mình. Nếu trong thời bình, đây có thể là sự ích kỷ tột cùng, chỉ nghĩ cho bản thân. Nhưng trong thời chiến, đó lại là sự lựa chọn sống còn.
Nhìn từ góc độ bao dung hơn, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông với những mảnh đời mà trước đây ta từng kỳ thị, phê phán. Sự đồng cảm sẽ nảy sinh, và mối tương quan giữa con người với nhau sẽ không còn cứng nhắc. Tuy nhiên, chúng ta phải có cái nhìn bao quát hơn, hiểu được đâu là cội nguồn gây ra tấn bi kịch của thời đại. Chỉ khi đó, chúng ta mới tránh được việc sa lầy vào những sai lầm quá khứ, và không tiếp tay cho kẻ thù, để thế hệ con cháu có thể hiểu rõ bản chất của mọi việc.
Hãy công bằng với tất cả mọi người. Với dân tộc đã bị chiến tranh tàn phá, với hàng nghìn con người đã bị đẩy vào con đường sai lầm, rồi lại tiếp tục bước sai. Tội ác nguyên thủy của những đế quốc xâm lược và hệ quả của chúng vẫn còn tồn tại. Không chỉ những người đứng lên chiến đấu vì đất nước, mà cả những người đứng sai vị trí – bên kia chiến tuyến, họ cũng đã bị đày đọa, tha hóa, và chọn con đường bỏ rơi tổ quốc. Tất cả đều là những minh chứng rõ ràng, sống động sau hàng thập kỷ.