Ai cũng mong ước cuộc đời mình rực rỡ như những đóa hoa cẩm chướng, giống như tựa đề và hình ảnh ngọn lửa rực cháy “Một thoáng rực rỡ ở nhân gian”.
Câu hỏi đặt ra rằng:
“Làm sao để biết được cuộc đời mình đã được “đốt trọn vẹn” cho những điều đúng đắn trong chính cuộc đời tuyệt vời này.
Cuộc đời bạn đã rất rực rỡ rồi, khi tôi nhìn lên, tôi chỉ thấy được những ánh sáng chói lòa và hào quang của bạn. Bạn có cảm thấy thỏa mãn với nó
Hay khi tôi đứng trong chính cuộc đời của tôi và nhìn ngắm lại mình trong gương, trong tất cả quãng đường tôi đã đi qua suốt hơn 30 năm, tôi nhìn thấy gì?
Số ít người còn lại khi thấy nụ cười và đôi mắt hạnh phúc mỗi lần tôi bên họ, số ít đó có nghĩ tôi đã làm được nhiều hơn họ, chỉ cần là sự cười nói, mỗi hành vi của tôi cũng thực sự khó khăn vì số ít đó lại có cuộc đời tăm tối hơn tôi?
Liệu có phải Tôi chính là họ_”Số ít người còn lại” không”
Phần 1.
Cuộc đời tôi bắt đầu khi tiếng khóc của tôi vang vọng trong cái rèm ngăn giường chờ sinh của Trạm y tế xã. Dấu mốc tồn tại rõ ràng nhất đó, thật khó mường tượng, Mẹ sinh tôi trong những năm khó khăn của xã hội nghèo khó sau hoa bình, những đống đổ lát không còn, những bãi mồ chôn tập thể đã mọc lên vài căn nhà, Mẹ sinh tôi ra với ao ước tôi là con trai, đó cũng là niềm kỳ vọng tột cùng của Bố. Xã hội trọng nam, người đàn ông có vị thế để ngồi chiếu trên khi làng có việc, là người phải có con trai lối dõi hương hỏa. Tôi sinh ra, đứa con gái thứ trong nhà, và Bố có thêm hơn một cái biệt danh: Bố đàn vịt giời.
Bố mẹ quen biết và lấy nhau khi còn là công nhân trong Gia Lai, lễ cưới diễn ra thời chiến với một con lợn tạ, một yến gạo, bạn bè người thân của bác, mẹ lúi húi cơm nước, còn bố vẫn bị giữ trong nhà tạm giam. Một bữa cơm không mấy vui vẻ, và người tham dự đều nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Chị tôi sinh non, mắc nhiều bệnh vặt, cũng do cái nghèo khó, mẹ không đủ sữa, chị phải uống nước gạo nấu đặc. Khi lớn lên cũng không khá hơn là bao, vẫn còi ốm vặt vẹo, ăn miếng được miếng chớ. Cái tên Mai Nguyên để chị biết được nơi mình sinh ra và chứa đựng bao kỷ niệm đẹp đẽ thời thanh xuân của bố và mẹ.
Còn tôi được sinh ra mà không có kế hoạch, bất ngờ. Trời sinh voi trời sinh cỏ, nhưng khổ đau vất vả thì người làm cha làm mẹ thấu, con cái cũng chịu chung những cảm giác mà người lớn đã tự quên mất khi làm người trưởng thành. Chúng tôi hiểu được cảm giác của những đứa trẻ bị bắt nạt, bị kỳ thị, thèm thuồng khi nhìn những thứ chưa bao giờ được ăn thử, ngửi, chạm tay, vẻ tự tin hãnh diện phô trương của đứa cùng lớp, cả sự ngó lơ của cô giáo khi còn học lớp mầm. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu biết tôi tồn tại trên cõi đời này, ý thức được mình là ai, và tôi mang theo ký ức lẫn cảm xúc đó tới tận bây giờ.
Ngay khi đi học lớp mầm, tôi đã bị cô lập, tôi không nhớ chính xác lý do tại sao, nhưng tôi nhớ rất rõ cảm xúc đó, và sự tổn thương gây ra khiến tôi không quên được. Hồi đó tôi là cô bé có mái tóc xoăn, xoăn tít như hình xoắn ốc vậy, tôi cũng đen, tóc đen nhánh, mắt đen tròn xoe, da cũng ngăm đen. Tôi vẫn luôn rất tự tin tự hào vì mái tóc xoăn ấy, mỗi lần bố cắt tóc cho tôi, đều gọi nói với tôi rằng “Bố cắt đầu Mỹ Linh cho con nhé, ca sỹ Mỹ Linh nổi tiếng ý, đẹp y như Mỹ Linh!” Với sự yêu thương chiều chuộng của bố mẹ ở nhà là vậy, nhưng ra ngoài, xã hội loài người lại luôn đẩy tôi ra ngoài trung tâm vũ trụ, đôi khi như không tồn tại, đôi khi tồn tại trong mắt người khác lại trở nên vô hình. Tôi nhớ mỗi giờ ra chơi, tôi thường chạy lên gốc Sấu ngồi một mình, nhìn ngắm các bạn chơi trò đuổi bắt trên sân rơm vàng phơi nắng ngày mùa, tôi nhìn nụ cười các bạn, tôi nhìn các bạn chạy, tôi không được tham gia. Ấn tượng nhất, vì trong lớp có một bạn là cháu gái cô giáo, bạn đó luôn được phiếu bé ngoan, luôn được ưu ái, được cô khen và ôm áp vào lòng, cô nhẹ nhàng và gọi những tiếng thân thương ngọt ngào, cô mỉm cười như ánh nắng ấm ban mai mỗi khi nhìn bạn. Bạn đó cũng vì vậy rất hay bắt nạt các bạn trong lớp, sẽ méc cô vì không làm theo ý bạn, lỡ làm bạn đau cô sẽ phạt mà không cần biết nguyên nhân, hoặc dù có biết nguyên nhân đi chăng nữa. Tôi là một trong số đó, tôi cũng hay bị bạn cư xử không đúng, tôi cũng hay bị chê dè bỉu bằng những câu chẳng hay ho. Bố mẹ không biết chuyện này, tôi cũng không hiểu được tính nghiêm trọng của nó. Các bạn trong lớp chơi thành nhóm, 3 bạn có họ hàng đứng lên và mọi người phải nghe theo, gọi bằng Cô Chú để thể hiện sự tôn trọng.
Khi tôi học lớp lá, là lúc tôi đã tờ mờ hiểu ra tôi đang bị đối xử bất công và chính tôi đang bị bạo hành. Đi học về trên con đường làng, các bạn xô đẩy đánh cấu véo, chuyện đó có vẻ quen thuộc như tất cả mọi sự diễn ra trước nay. Nhưng có một lần, tôi sẽ không bao giờ quên được sự bất công tồn tại được là do có sự tiếp tay của người có quyền lực, người lớn tiếp tay cho trẻ nhỏ. Chúng tôi bị đánh hội đồng. Chúng tôi là ai? Là 3 chị em của tôi. Hội đồng là ai? Là ba cô của bạn nhỏ đó và vài người nữa. Chỉ đơn giản họ không cho chúng tôi đi qua con đường trước cửa nhà, chúng tôi bị chặn lại, bị đánh. Khi áy, các cô của bạn đã học cấp 2 rồi, tại sao có thể đánh những đứa trẻ khác vô cơ. Sau này lớn lên, tôi vẫn thường xuyên gặp họ, có vẻ việc gây tổn thương cho ai đó dễ hơn và không đáng nhớ, còn người bị tổn thương thì sẽ không thể xóa được những thứ đã bám vào tâm hồn họ.
Lên cấp một, cô giáo bạo hành chúng tôi, ban đầu cô đánh vì tôi viết bằng tay trái, cô ép tôi phải biết bằng tay phải. Khi tôi luyện viết tay phải, cô đánh vì tôi viết chậm, viết xấu, cô đánh bất kể với mọi thứ xảy ra không theo mong muốn của cô. Cô dùng chiếc thước kẻ của những năm 90, to hơn thước may, hết đánh sấp rồi sang đánh ngửa lòng bàn tay. Bố mẹ không biết tại sao tôi lại sợ tới lớp, mỗi lần tôi đến cửa lớp đều với nỗi sợ hãi dình dập, tôi sợ cô, tôi sợ đi học. Mãi sau này, vì đánh học sinh và phụ huynh kiện, cô xin chuyển sang trường gần nhà. Giáo viên đã vào công chức, sẽ không bị đuổi dạy, dù có vi phạm ngành giáo, cũng chỉ bị kỷ luật theo kiểu cho có.
Lớp bốn, chỉ vì không chịu phục tùng và nghe những lời dày xéo, trêu đùa khinh miệt của một thằng cao lều nghều, tay sai của con bé đã bắt nạt tôi suốt bao năm mầm non, tôi sẵn sàng đánh nhau với nó, lần đầu tiên tôi biết kháng cự chống trả. Dù cho có bị nó đấm tát túi bụi vào mặt. Lần đầu tiên đó khiến tôi bị chúng rình đánh, nhưng cũng khiến tôi tự hào, khiến chúng e dè hơn.
Tôi cũng từng bị lạm dụng, những hành vi cử chỉ xấu xa dung tục của một người chú họ hàng xa, chỉ với một củ khoai lang. Tôi quá bé để hiểu biết những chuyện lạ lùng đang xảy ra xung quanh, cảm giác và hình ảnh đó luôn trong đầu làm tôi hoài nghi, lo lắng và ám ảnh.
Ký ức về tuổi thơ của tôi trở nên u tối, xám xịt, và những nỗ lực của một đứa trẻ tự bảo vệ bản thân mình, bằng cách xóa những thứ đó ra khỏi bộ nhớ. Khi không xóa được những thứ quá đớn đau, quá đáng sợ vì chúng đã ăn sâu vào lằn cảm xúc, nó nằm đó và nhắc nhở ta về những gì ta đã phải chịu đựng và trải qua.
Tất cả còn lại, là sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, khi đi qua quán nước của bác và ao ước có được chiếc kẹo lạc hay gói bim bim một nghìn, khi quả chuối vỏ trứng quốc đã bắt đầu thối lũn đen xì ăn sâu cuống của bà hàng xóm mang cho như một sự bố thí, khi xã đi thu sản vơ vét tất cả những gì có thể, khi ông nội đã nhỡ dùng tiền ăn cả tuần để mua một miếng thịt để uống rượu trong một bữa trưa, khi chẳng có nơi đâu để tìm thấy tình yêu thương ấm áp của đồng loại, một đứa trẻ, bố mẹ đi vắng, cũng không cần phải cố gắng ngọt ngào, chúng sẽ không biết những thứ đó được miêu tả như thế nào để kể với bố mẹ chúng, đơn giản chỉ là cảm giác, những cái nhìn, những câu nói, những nét mặt. Chúng có thể đủ thông minh và hiểu chuyện để làm thay đổi được gì chăng?
Vui nhất có lẽ khi có bố mẹ, những bữa cơm rau tương, cơm chan mỡ. Cả nhà quây quần bên gian nhà, ngày mưa bố nhổ răng và kể việc tại sao ta phải vứt chiếc răng lên mái nhà. Thỉnh thoảng bố sẽ lượn lờ con xe Simson cho tụi tôi đi vài vòng. Vài lần được mẹ dẫn đi tìm bố trong đêm khuya, còn hơn bị nhốt một mình trong căn nhà chỉ với ánh đèn mờ ảo.
Chơi trò đuổi bắt ngay dưới sân nhà cùng các cô chú anh chị trong xóm, mà thường tôi bé nhất nên lúc nào cũng là người thua sớm nhất và đứng nhìn trò chơi tiếp tục.
Cô Tin_nghiên cứu sinh Australia_gần gũi cho đám nhỏ bám càng bâu nhâu, giúp cả nhà có những bức ảnh hiếm hoi sung sướng để mình có thể ra vẻ với những đứa trẻ khác, cô Tin mỗi lần đều cho mình vài chiếc kẹo hình nơ.
Chiếc áo hoa đỏ chấm bi được bác cho khiến mình yêu thích nó hơn bất cứ thứ gì có được trước đây.
Con lợn được mình chăm bẵm, mình được tự tay nấu cho chúng ăn, bằng những buổi chiều đi vơ lá sắn khô.
Được đi ngắm dòng sông Đáy đang dâng cao lên qua thành cầu khi mùa lũ xả nước…..Được chốn ngủ trưa chơi trò lều trại bên bờ sông, để rồi bất thình lình thù lù ông đứng ngay phía sau, cả lũ chạy tán loạn trước khi kịp bị ông bắt lại.
Sự ấm áp đẹp đẽ vui vẻ đó là những hình ảnh hạnh phúc mộc mạc, đáng nhớ, trân trọng nhất còn lại cho cả tuổi thơ của mình.
Phần 2.
Sang trang khác của cuộc đời, thời gian khi tôi học cấp hai, tôi đã sẵn sàng để đón chờ những điều mới mẻ, nổi loạn, chút ngây dại hồn nhiên của tuổi mới chớm.