
Mùa covid năm nay đã đến, Hà nội đầu tuần hơn một nghìn ca rồi, mình cũng trong số một nghìn lẻ một đó, mình không cập nhật vào số ca, mình tự cách ly tại nhà.
Năm ngoài vào dịp này, mình cũng dính Covid, những triệu chứng trước đây có thể cướp đi tính mạng của bao người, còn hôm nay, mình lại thấy thật nhẹ nhàng. Có phải cũng giống như những nỗi đau, những lỗi lầm, khi vượt qua được, bạn sẽ càng ngày càng trở lên mạnh mẽ, sâu trong chính tâm hồn mình, chỉ là mình có nhận ra không, hay phải chờ một cơ hội nào đó mới nhìn thấy được sự thay đổi hoàn thiện đang lớn dần. Dịch Covid như một điều điển hình. Chắc mọi người đã không còn sợ nó nữa rồi.
——————————————–
Những năm gần đây, bến cảng Hồng Kông như bỗng phút chốc thu nhỏ trong con đường tỉnh lộ đâm xuyên làng tôi.

Năm 2012, đêm 28 tết, thằng em út chịu trách nhiệm nằm ngoài sân trông quất. Bố nằm ngay trong nhà vì cả năm có một vụ tết, là cái phao hy vọng của những ngày ít ỏi còn lại, tết này trúng vụ quất đẹp, khách ủng hộ nhiều, bố mừng lắm. Chuyến đầu từ 23 tết toàn quất tầm nhỡ, để giành những cây to đẹp nhất cho lần giáp ngày, trở về nhà mới sức sống căng tràn. Cũng có thể do lo lắng điều gì mà bố không ngủ được. 11h30, những cành quất bị chém rơi roạt ầm ầm, những nhát chém lia lịa dứt khoát như sự thù hận vung xuống. Em tôi nằm im không chút động đậy, bên tay cầm chặt con mã tấu. Nhưng bố trong nhà vụt chạy ra, đuổi tụi thanh niên choai choai, tầm hơn 10 thằng. Đám cưa sừng chưa hết, bâu vào xâu xé bố, rồi em tôi, chúng nhảy vào. Mẹ và tôi chỉ biết đứng nhìn và la hét trong hoảng loạn, cầu trời hàng xóm dậy để cứu bố và em. Mọi người đều biết nhưng mấy ai dám ra khỏi cửa, vì cuộc sống sinh mạng này, đâu ai dám hy sinh vì bất bình vì cứu giúp. May sao các anh và bác sát nhà chạy ra và hô hoán mọi người. Thấy dân làng, chúng mới chạy đi, một thằng trong số đó bị đứt tai và sống mũi, một thằng bị đâm sập nhát dao ngập sống lưng. Bố và em bị chém xầy xước khắp người. Hoàn cảnh đó, mãi mãi in hằn vào trong đầu tôi, sự sợ hãi khiến mẹ tôi bệnh liệt giường gần một năm trời. Vụ quất năm đó nhà tôi hòa. Em tôi phải nhuộm quả đầu vàng khè để tránh việc sinh sự không hay sau này. Xém chút nữa nó được vào Tây Nguyên ở với chú út nhà tôi. Mãi sau này nhiều người bảo, vì cách đó vài chục mét, có nhà chú A cũng buôn quất nhưng chậm, ganh tức khó chịu bèn thuê đám thanh niên làng khác tới quấy phá. Người đó còn có chút dây mơ họ hàng xa với nhà tôi. Thằng bị chém vào lưng đi cấp cứu Việt Đức, sau như nào tôi cũng không hỏi.
Thế mới thấy, có những thứ ập đến với chính bạn và gia đình bạn, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên quý giá đến mức nào.
Rồi một đêm nọ, khi có một người bị cứa cổ ngay giữa ngã ba. Khi thấy được rất nhiều mã tấu chẳng phân biệt đâu là địch đâu là thù, chúng tôi_những người dân đang đứng trơ mắt ra nhìn rất nhiều người, những gương mặt thầm chờ đợi và háo hức, sự tò mò hiếu kỳ khiến chúng tôi cứ trân trân tại đó. Chỉ tới lúc nhận ra tính nghiêm trọng của nó, chúng tôi chạy toán loạn tìm bất cứ cánh cửa nào còn chưa đóng để trốn. Đêm đó, giữa những người đuổi ngược xuôi, giữa những chiếc áo còn loang đẫm màu máu vứt bên góc vườn, chúng tôi không biết ai sẽ ra sao,một người trong làng say rượu đứng can ngăn và phải nhập viện cấp cứu, cánh cửa sắt rỉ sét nhà tôi bị đạp đổ, họ xông vào nhà để chém kẻ đang chạy đi kia, mẹ tôi thì sưng tím trán vì cửa rơi đập đầu, mẹ không kịp đóng cửa, còn tôi vừa hay cùng mọi người chạy ùa vào cánh cửa xếp cứu cánh duy nhất gần đó. Chiều ngày hôm sau, vì nhà tôi có thiệt hại, chúng tôi được họ tới xin lỗi và hứa đền bù, may sao, cái cửa lại chẳng thể hỏng để tôi có một cái mới đáng tự hào hơn, chỉ có 2 con ray là phải thay. Còn người say kia thì đã được cứu, từ một lao động chính trong gia đình, trở thành một người chỉ có thể đi chạy việc vặt trong nhà. “Vậy là cũng tốt phúc lắm rồi”, bà con đều nói vậy.
Khi có một chuyện xảy ra trước mắt bạn thì bạn mới tin được xã hội bạn đang tồn tại ra sao.
Quay trở lại những quán Karaoke, từ ngày làng tôi đổi thành “làng nghề” Karaoke, đường đi tấp nập bởi những cô bé tuổi 13 14 , thời trang ưu thích dù đông hay hè là chiếc áo hai dây, áo quây và quần sooc bò. Luộm nhuộm, sinh viên, bỏ học cấp 3, dân tỉnh lẻ, dân miền núi, giáp biên giới, dân sông nước, …đa phần là vì cuộc sống ở nơi họ sinh ra quá khó khăn để có thể kiếm được miếng cơm hàng ngày, có một số thì bị lừa nhưng rất ít. Nhiều lần tôi bắt gặp bố mẹ các em đưa em xuống làm. Gia đình các em biết, nhưng làm sao khi đồng tiền các em kiếm được vài tháng lại bằng cả năm gia đình cũng chưa chắc làm ra.
Nói đơn giản, nghề nào cũng có những góc khuất, bạn có sợ không khi nghe thấy có những nơi nhốt người, những người làm nghề nhân viên họ phải sống trong “bóng tối”, không được ra ngoài. Luôn có bảo vệ canh giữ. Những cô gái đơn thuần có lẽ sẽ khó tránh được việc chiều khách và để lại hậu quả, với cái tuổi chưa hình thành hoàn chỉnh cơ thể, đã phải đi nạo phá, đó là một thứ rất đáng sợ, cái nguy hiểm nào đã nhìn thấy ngay được. Có những cô bé kể lại, bị những kẻ tay chơi bệnh hoạn, tung các cô lên và ném xuống như một cách hả hê của việc vung tiền. Những kẻ bệnh hoạn hơn còn làm những trò đồi bại mà cả đời bạn sẽ không hình dung được. Bạn có thể nói, những người con gái đó có quyền lựa chọn. Nhưng khi biết đâu là đúng, đâu là sai để lựa chọn thì đã chẳng còn kịp. Rồi bớt tiền công, trừ tiền giờ, giữ lương,…quá nhiều vấn thứ cắt xén. Nhưng hầu chung, họ đều có một suy nghĩ, được ăn no, mặc đẹp, công việc không chịu nắng mưa, có tiền mang về cho gia đình, cho bản thân, hay chính họ không chịu được cuộc sống vất vả ngoài kia, đây cũng là một lựa chọn được ưu tiên. Nếu một giờ trung bình họ được 150k chưa tính tip, thì có phải chính lương của tôi cũng không bằng 1/2, 1/3 của họ không?
Liệu có ai sung sướng trong cái nghề này? Chủ quán giàu lên trông thấy, cái việc giàu nó rõ rành rành qua từng đêm, qua từng con số đếm được. Nếu những quán quy mô nhỏ và không ép nhân viên thì doanh thu thường thấp hơn khá nhiều so với những quán ngược lại. Đồng tiền đó sẽ mang đi chia tới cấp cao trên cùng để thầm cảm ơn xã hội bình yên đêm đêm được bật đèn đón khách, chia nhỏ dần xuống cấp thấp nhất là xã. Tiền còn dùng vào những cuộc chơi cá độ, bay lắc, ke kẹo. Tiền còn đi xin lộc cô lộc cậu. Tiền cho việc nhân viên chạy trốn _ cướp nhân viên từ các quán khác nhau. Đủ thứ cả.
Từ trước tết, khi thay chủ tịch Huyện, chính sách mới, cả đêm lẫn ngày, tất cả các điểm ngõ vào ra và điểm mấu chốt của làng đều có cảnh sát cơ động và công an canh gác. Gần 3 tháng liền thất thu, gần 3 tháng tiếp theo và cho tới tận bây giờ, các biển quán đều bị che phủ bạt, tắt đèn, và âm thầm tiếp đón khách.
Kéo theo sự phát triển đó, nhiều quán spa chăm sóc, hair salon, cửa hàng quần áo, quán ăn đêm, hàng trái cây mọc lên không đếm xuể, cứ trung bình cách 50m sẽ có một hair salon. Bà con tiêu thụ được nhiều thực phẩm hơn. Kinh tế cả làng gần như dựa vào việc hoạt động mạnh yếu của quán hát. Quán thuốc, thay vì bán thuốc thì nguồn thu nhập chính lại đến từ việc bán BCS, thuốc CT, thuốc ĐPK,… Cửa hàng quần áo với những mẫu màu mè sexy cập nhật theo ngày theo mùa. Salon tóc lại chuyên phục vụ nhuộm nối cho các “khách vip” sành điệu hơn là người dân,..

Hệ lụy thì từ rất lâu rồi đã xảy ra, nhiều thanh niên trong làng bỏ học từ sớm để theo nghề bảo vệ, quản lý, nhân viên trông quán hát. Rất nhiều trong số đó cái gì cũng thử, hút chích bay lắc gái gú. Những thanh niên lấy vợ làm nghề nhân viên, những gia đình đổ vỡ vì kẻ thứ ba. Nợ nần vì bài bạc, vì tính ăn xổi và lười biếng. Có lẽ là sự ăn mòn từ trong tâm tưởng, từ rất lâu khi cái nghề băng hoại đạo đức đang diễn ra hằng ngày, len lỏi chui vào đời sống của từng người dân. Thấm dần, đồng cảm, nguồn sống, quen mắt, …tất cả đã quen rồi, quen từ trong bụng mẹ.
Có rất nhiều người trẻ, muốn có cuộc sống bình thường, họ chấp nhận rời xa làng quê. Để không bị ảnh hưởng và lối sống xuống cấp đó lôi kéo ăn mòn bản thân.
Trước đây, bố mẹ tôi đi xa để kiếm sống, ngày nay cũng có nhiều người đi xa để chọn cuộc sống tốt đẹp lành mạnh hơn.
Nhưng Phố làng tôi vẫn nghèo, chênh lệch giàu nghèo quá lớn, và phát triển một cách không bền vững. Bất kể lúc nào người buôn bán kinh doanh dịch vụ cũng trong trạng thái lo lắng, vì tất cả đều dựa vào cái nghề hú họa mà nhà nước chưa làm chặt nên vẫn có đường sống.

Cảm giác ở trong đê, vùng phân lũ, dự án quan trọng và khu công nghiệp sẽ chẳng bao giờ tới được. Hơn nữa, đã mấy chục năm, đặc biệt gần mười năm nay, bà con đã quen sống phụ thuộc vào quán hát. Tôi từng ước sẽ có ai đó đủ yêu làng, giúp làng phát triển mạnh mẽ với một cái nghề. Khi nhìn thấy những làng trên làng dưới, họ có nghề phát triển riêng, tôi lại ao ước. Cái niềm suy tư này đã có từ khi tôi còn đi bộ lên trung tâm xã để học, khi tôi học lớp 6 tôi đã ước. Nhưng đó là sự mơ hồ tôi không hề biết rõ, tôi chỉ biết nó vẫn âm thầm đau đáu trong tôi suốt nhiều năm trời.
Tôi nhìn thấy làng trên được dạy nghề mây tre đan, người dân đi học, nhà nhà làm. Tự dưng trong đầu tôi hiện lên hình ảnh đó, nhưng là ở ngôi nhà tôi, ở phố làng của tôi. Có thể xâu xa trong chính tôi đã luôn nghĩ, nếu có một làng nghề ở đây, bố mẹ tôi đã không phải vất vả đi xa xứ, để chúng tôi không bị hổng một lỗ hổng thiếu thốn tình yêu thương và sự dạy dỗ khi xưa. Để có thể chính bản thân tôi đã có một nền tảng và cơ hội phát triển tốt hơn sau này. Vì có ai được chọn sinh ra và lớn lên
Tôi cũng yêu làng, nhưng tình yêu của tôi như dành cho người đã cũ, một nửa nuối tiếc và giận hờn, nửa còn lại là sự yêu thương.
Phố Làng tôi giờ san sát nhà cửa, san sát quán xá, nhà nhà ô tô. Làng càng ngày càng mở rộng, nhiều người nơi khác tới mua đất làm nhà, quỹ đất của trung tâm thành phố cũng đã cạn, sự mở rộng dần lên các mạn phía Tây ngày càng mạnh mẽ ồ ạt.
Phố Làng tôi cũng giống như bao làng quê khác, vẫn có lũy tre làng già mục cắm chặt rễ trong suy nghĩ bà con. Sự phát triển bề nổi không đủ bật tung cái rễ phong kiến cổ hủ đó. Phát triển không đồng bộ, không bền vững, một cách hời hợt bề nổi, có phải chúng tôi đang bị mắc kẹt hay bỏ rơi trong chính những chính sách nửa vời, không chú trọng vào miếng cơm manh áo lâu dài cho bà con, mà chăm chăm tới những chỉ số phát triển trên sổ sách.
—————————————————————————–
Những năm trước 1978, Hoài Đức-Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, Hoài Đức- Hà Tây tách trở về tỉnh Hà Tây
Ngày 29 tháng 5 năm 2008, Hoài Đức-Hà Tây sáp nhập lại vào Hà Nội.
Từ đó, Hà Tây không còn được gọi bằng cái tên thân thương nữa, bài hát Hà Tây Quê Lụa đã chẳng còn nghe thấy trên Đài phát thanh- Đài truyền hình Hà Tây. Cái tên Hà Tây mỗi khi nhắc đến, mọi người đều à ồ Hà Nội II. Người Hà Tây chúng tôi hay nói đùa nhau rằng chúng tôi vẫn mãi là người Hà Tây, chúng tôi chẳng phải người Hà Nội đâu.