Không biết có ai từng nghe tới Cầu 72, Phố đèn đỏ, hay có cái tên khá ấn tượng_Cầu Tõm. Một ngôi làng được nhiều người biết đến, mà chỉ biết đến con đường tỉnh lộ 72, khúc đường nối tiếp cây cầu sang bên kia Huyện. Con phố cứ đêm đến lại không ngủ, đèn từ các biển hiệu sáng trưng mời gọi. Con làng quê khuất sâu bên trong những nhà cao tầng, là một xứ thủ phủ của những dãy tre làng còn dày trong suy nghĩ con người nơi đây.

Nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng bình dị, cũng thôn quê mộc mạc, và êm đềm lắm. Những ngày xưa thời còn nhà lá chanh, dưới dãy tường bao đá tảng chét tạm chút bùn, khoảng sân của những gia đình giàu có là sân chơi cố định mỗi trưa hè. Những khi đi bộ tan học về trên con đường gạch đất nung, hai bên với những rãnh đất thoát nước đầy rêu cỏ. Hay cả lúc đi vơ lá sắn, lá vải nhét thật đầy bao để mang về đun cơm. Từng cái chân nhoay nhoáy xải xổm thật nhanh, đôi tay cào cào nghe tiếng lá khô vỡ tan, vừa thơm, vừa bốc mùi, nóng nực, đỏ rực cả gò má. Tiện tay, hái những búp sắn non về mẹ muối chua, hay luộc chấm tương đều là món ăn qua mùa. Mùa hè bình dị, có chút “gian truân” khi tuổi đời mới nhú. Mùa đông có vẻ là những ký ức buồn một chút, thiếu những chiếc áo ấm, thiếu cả những tình yêu thương của bố mẹ.
Hồi đó, ngoài bắc vào trong Tây Nguyên, đi tỏa ra các vùng đất mới để xây dựng kinh tế. Chẳng ai thích đi xa nhà, có người thì cả gia đình lũ lượt kéo nhau đi, có nhà để lại đám trẻ nheo nhóc cho người già, còn nhà tôi, bố một mình vào trong Đắc Nông với chú. Nghe đâu, vào đó làm mướn mỗi ngày cũng có thể dành dụm vài đồng công để gửi về quê nhà cho vợ con, người thân. Thân hình bố cao to, bố đẹp trai lắm. Mình vẫn nhớ bộ quần áo sờn bạc cũ lắm rồi, bố mặc lần đó, rồi 2-3 năm sau mới gặp lại được bố. Cuộc sống vất vả quá, cuốc ruộng, đào rẫy, trồng cây cao su, cà phê, cái màu đất đỏ bazan ăn mòn nước da mái tóc bố. Hình ảnh bố khi tạm biệt, và khi bố về …vẫn vậy, chỉ là đen, gầy, râu mọc lấp hết đôi mắt đầy hy vọng trước đây. Những năm tháng lam lũ đó, vậy mà tay bố cầm về chỉ được mấy trăm nghìn. Thật xót xa.
Bác hai lấy chồng trung tâm thủ đô, tận làng Thủ Lệ, nghe oai lắm. Ở quê, cứ có người thân trong thủ đô là hãnh diện và sướng. Bác hay gửi ít đồ cũ về cho chị em mình mặc lại, có lúc là quần áo của anh chị đã không vừa, có cái hàng si đa mà đẹp. Bác kiếm được công việc cắt cỏ trong Bệnh viện Nhi, thế là cứ cách tuần mẹ và cô Nguyệt lại rủ nhau đạp xe ở nhờ bác, rồi nhặt nhạnh, cắt cỏ ngày qua ngày, mà chẳng hiểu tại sao, cỏ bệnh viện tốt và nhanh tốt lắm, chúng xanh rì mơn mởn. Mẹ hay tranh thủ nhặt củi khô chắp bó lại rồi chẳng về, đúng là tha củi về rừng, người nghèo nhặt nhạnh, chứ người trên phố, họ thấy vướng mắt quăng cho câu Đồ nhà quê, nhiều lần nghe cũng quen. Ở viện, đồ không dùng đến như bàn ghế cũ hay vải, mẹ cũng nhặt nhạnh mang về. Nhớ có lần mẹ về, lủng lẳng trên xe những xoong nồi méo mó, đôi tay mẹ mần lên chi chít nốt đỏ, dù đeo bao tay nhưng vẫn không thể tránh được. Cả mấy cô cắt cỏ cùng, cô nào cũng vậy. Mẹ còn nói, đám nghiện hay trèo tường để chích, rồi vứt lại những kim tiêm la liệt trong góc tường, gốc cây. Tiền công 25 nghìn không biết nhiều hay ít nữa nhưng có tiền ngay cho muối mắm, gạo dầu cũng khá hơn khối nhà.
Trong ký ức đơn thuần của mình, không sao xóa đi được hình ảnh những người làm sản. Họ bắt con lợn nái còn đang tuổi dậy thì, họ vác cái xe đạp Phượng Hoàng đã cũ của mẹ, họ lục tung tìm thóc gạo và mang đi thật nhanh như cơn bão. Nhà chẳng còn gì. Chiếc xe máy SimSon để chạy xe ôm của bố cũng phải bán đi để trả họ. Thu sản!
Những ngày sau đó, cả những ngày trước đó, mình vẫn thoang thoảng mùi canh hến, hình ảnh mẹ ngồi đãi hến với cái bụng bầu to tướng, ăn hến để có tí chất tanh cho em bé, cho mấy đứa nhỏ đủ chất,… toàn là hến.
Nhà bạn mình thì cùng nhau đi vào Lâm Đồng làm kinh tế, được vài năm, con bé được bố mẹ gửi về với ông bà, rồi lại cố gắng trụ tiếp để mong có ngày nở mày nở mặt. Cấp 2, nghe đâu có con bé trong Nam mới ra, xin chuyển vào lớp mình, cả lũ thi nhau bàn tán, chắc nhà nó giàu lắm, thấy nó cũng chảnh ghê cơ. Chơi thân mới biết, tuổi thơ của nó không khá khẩm hơn mình là bao. Đi theo bố mẹ vào làm nông, không có gì chưa từng trải qua. Về với ông bà, 2 bác cả, số nó còn đáng thương hơn, đã nhiều lần mình gặp cảnh nó phải gánh trên mình đôi quang trĩu nặng đầy là cỏ, cái bình phun thuốc sâu người lớn mới đeo được, chả ăn nhằm gì, nó quá thân quen. Nó hay bị ăn mắng, có những lần bị túm tóc, bị đánh một cái đau điếng vào đầu vào mặt, còn những trận đòn roi mây nhiều vô kể. Sao người lớn lại đáng sợ thế. Những lúc ngồi tâm sự, bao nhiêu nỗi uất hẹn cũng không thể kể xiết, nước mắt có là gì đâu, khóc nhiều sưng mắt chứ bổ béo gì.
Có lần, mình còn chứng kiến, con em họ bị trói vào gốc cây, bị đánh, bị chửi. Nhiều cô chú trong nhà xúm vào để cùng ngó nghía xem “có trị được con này không”. Đâu đủ gan dạ để nhìn và nghe, câu được câu chăng, lấm la lấm lét, mình chạy rón rén về nhà như sợ có ai sẽ trói gô mình lại. Hỏi bố mẹ nó đâu, à thì bố mẹ lo làm ăn, nào có nhìn thấy cảnh đau đớn như vậy bao giờ.
Làng nghèo, không có nghề truyền thống, dân sống quanh năm với cây lúa, cây khoai. Ai có đất thì có cơm, có thóc gạo nhiều thì cho vay quy đổi sang nợ tiền. Còn có nghề đãi cát, ven bờ sông, vẫn còn những mảnh cát trồi lên, mọi người thi nhau đi lấy những thúng cát về, rồi đổi sang tiền. Cũng chẳng được là bao. Sông ngòi cũng là cái cần câu cơm trời cho, đi mò ốc hến trai cũng đổi được răm đồng bạc lẻ. Có lẽ nhà Bác cả mình là khá nhất, lúc đó bác là chủ một lò vôi, rồi thành chủ vựa than đá.
Những lũy tre làng rì rào bên cầu ao nhà thờ, mỗi ngày đi giặt quần áo thật vui biết bao.

Dần dần đô thị hóa, nông thôn đổi mới, người dân lấp đầy 2 bên đường, nhà ống, nhà đổ trần. Những cái nhà đổ trần thế hệ mới, khang trang, sạch sẽ, cao ráo, bê tông xi măng cốt thép đều tốt cả. Và bác tôi có một cái trong số đó, cái mà nhà nhà phải trầm trồ ngưỡng mộ, vừa ước ao vừa thầm ghanh tị.
Chẳng biết bằng cách nào, với bao nhiêu sự cản trở, khó khăn, sự muối mặt nghèo khó, mang theo cả niềm hy vọng lớn lao, bố xin chuyển ra được mặt đường. Một cái nhà cấp bốn đã được xây lên, bằng những ngày chắp vá một vài công thợ người thân, bằng cái móng với mâm lễ 40 nghìn vét nhẵn trong túi của mẹ.
Những năm sau đó, đời sống cũng đã phát triển hơn, chủ yếu là phía mặt ngoài tiếp giáp với nền văn minh ánh sáng của đường nhựa. Phố Đèn đỏ, được bắt đầu tự khi nào? Từ khi tôi kịp ấn tượng và nhớ về nó. Có phải nhờ nó mà chúng tôi bớt nghèo không, hay vì nó sự chênh lệch giàu nghèo càng rõ rệt, sinh ra những tệ nạn và lòng người bạc bẽo đến cùng cực. Đồng tiền là cách nhanh nhất chứng minh được sự tha hóa của con người.
Bố mở quán cháo lòng, cả làng có hai cái, ước mơ của bố cuối cùng cũng thực hiện được.
Ký ức xoẹt qua những mảng sáng mảng tối, bố cũng là những con nghiện kiếp đỏ đen. Ù Bạch định., Tám vạn cửa chi, Tám đỏ hai lèo,…. Chia chắn cũng có cái hay của nó, là được tiền mọi người ạ. Cách kiếm tiền đơn giản và nhanh nhất đến với chiếc đồng hồ Casio hàng đêm ao ước, chính là nó. 10 nghìn một ván. Bữa nào ù to, bo cho nhà chia thêm hai chục.
Xóc đĩa, thú vui tao nhã với những âm thanh ầm ầm rung chuyển cả một đời người. Chơi to, tiền vay lãi cứ xếp từng chồng, tuột khỏi tầm tay tầm mắt khi nào, mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã thành con nợ với cái mức lãi mẹ chồng lãi con cắt cổ. Kẻ giàu người nghèo trong phút mốt.
Lô đề, mỗi ngày đốt tiền cũng như đốt niềm tin, đốt tương lai sách vở, giấy chơi chịu cả cuốn sổ dày. Hao mòn mỗi ngày một chút, hôm nay chưa may mắn thì chờ đợi ngày mai, nếu đánh quá ít không đủ, cay máu thì chơi tất tay, một phát “Ra đê mà ở”. Kẻ may thì ít, người rủi thì đông. Cả năm đánh trúng một lần, dù ít dù nhiều cũng là trời cho lộc vào vận đỏ, chơi tiếp, chơi tiếp. Cứ vậy, chẳng ai thoát được nó.
Quay trở lại, con phố thân thương ngày ngủ đêm thức. Con phố gắn với màu đỏ lập lòe nhiều tới mức mình cũng từng nghĩ đèn đường phải chăng màu đỏ. Đi dọc xuống cầu sông, hai bên đường, hai bên cầu, chỗ võng nhất của cả con đường, đầy những biển hiệu chữ nhật “Massage”, cái bóng đèn đỏ bên trong cái hộp dựng ven đường. Rọi chiếu lên những màu trắng nõn nà của da thịt, những chiếc ghế nhựa xanh Song Long xếp dài. Như mời gọi, như phô bày bữa tiệc vui vẻ đang hừng hực trong cơn mê người qua đường. Áo thun hai dây rẻ tiền, với màu sắc nổi bật như sợ chưa thể đủ rực rỡ trong đêm tối để người từ xa nhận ra, chiếc quần đùi không che được cái khóe mông. Lườm lượm như trẩy hội, tưng bừng hàng đêm ngồi lê la chờ đợi và chào khách. Xong rấm rúi khi đã có ai đó chịu ghé vào hỏi thăm đôi lời, cả hai chui tọt vào trong vội vàng như sợ ánh mắt của ai đó bắt gặp.
“Làng nghề” gì mà lạ quá! Thúc đẩy bà con buôn bán, thúc đẩy những cuộc chơi chẳng biết mai này ra sao. Hai bên đường bà con thêm chõng rau, bàn hoa quả, phản thịt, cái chợ cóc thế là hình thành. Người bán thêm đồ ăn sáng, nào bún phở chè cháo,.. Có thêm nghề để bà con sinh sống và không phải rời khỏi quê hương. Đặc biệt các chú trên xã, trên huyện, ngoài mặt buồn lắm, nhưng lại thấy chẳng thiếu bữa sáng nào không tề tựu ngoài quán với nhau.
Một đêm nọ, ở quê nhà dân đóng cửa đi ngủ từ 9h tối. 11h, cánh cửa được tái sinh từ đống sắt vụn của nhà mình_cái thứ của nợ chạy ray đã rỉ cót két, nó là nỗi xấu hổ mỗi khi có bạn bè tôi đứng trước nó- bố nghe thấy có tiếng người phụ nữ van lài trong đau đớn, lẫn cả đó tiếng đấm đá của những kẻ hay được gọi Bảo kê. Tôi cũng đứng sau tấm cửa đó, nhòm qua kẽ cửa, sau một hồi dội không ngừng nghỉ, tiếng chửi bới cũng hết, người đó không biết bằng cách lôi về hay vác về, cũng đã không còn ở trước cửa nhà tôi nữa. Sau này, những chuyện như vậy xảy ra rất nhiều. Rồi dần dần, phố Đèn đỏ còn lấn lướt thành phố mại dâm.
Nhưng có một lần duy nhất, bố đã không cầm được lòng, không biết thực hư câu chuyện, chị ý bị bắt cóc rồi mang bán vào một quán mại dâm xung quanh đây. Cầu xin lần một khi chạy ra ngoài mua thuốc tránh thai, cầu xin lần hai vào đêm tối đã 1 giờ. Là chạy trốn, chị ấy van lạy để bố có thể đèo chị lên Cao tốc_nơi có những chiếc xe ô tô liên tỉnh. Cả nhà đã thức chờ bố, đến bản thân mình cũng hiểu, có quá nguy hiểm không, nếu nhỡ..mà mình không dám nghĩ đến.
Bẵng đi vài năm, những năm được ăn học ngoài phố_phố xịn, tôi ở trọ 4 năm đại học, thi thoảng, cũng có khi thường xuyên về với bố mẹ, tiếp tế lương thực là một vấn đề quan trọng và thiết yếu nhất mà chúng ta luôn phải ghi nhớ. Phố thị đã phát triển hơn, nhà cao tầng cứ ùn ùn lên, nhưng ngôi nhà cấp bốn chính giữa ngã ba, mọi hướng đều đâm vào, thì vẫn vậy. Sự chênh lệch càng ngày càng rõ, cũng như độ cao của tầng nhà bên đối diện đường với cái mái ngói đã đổi màu rêu chết cháy từ năm này qua năm khác. Nhưng trong suy nghĩ của bố và các bác tôi luôn là, “Cấm: không mặc quần ôm, không mặc quần trên đầu gối, không mặc váy, không mặc áo hở bắp tay”. Để tránh bị hiểu lầm với những chị gái từ những góc biên giới, vùng sông nước miền tây, hay mạn núi phía Tây Bắc, tuyệt đối luôn là tuyệt đối. Cách ăn mặc kín cổng cao tường đã sống và bám vào người tôi như vậy cho tới tận mãi sau này. Suy nghĩ của những người đàn ông quê tôi, đã thành lối mòn trong đầu tôi. Hở hang là sự sỉ nhục, là bẩn thỉu, dơ dáy.
Giờ đây, Phố Làng đã thay da đổi thịt, đã là ngoài mặt Phố, còn bên trong tiềm thức lối sống văn hóa của người dân vẫn cố thủ là Làng, vẫn không chịu bước một chân ra khỏi đám rễ tre đã mục nát. Văn hóa nơi đây cũng được du nhập mạnh mẽ lắm, ăn thực dưỡng, ăn giảm cân Herbalife, nhảy Burpee, ngồi thiền,..các CLB cầu lông, bóng chuyền, bóng đá,….các xóm văn nghệ cứ nhân ngày gì cũng là ngày trọng đại kỷ niệm hát hò tưng bừng, những hội nhóm đi du lịch xuyên tới miền Tây tổ quốc,…. Nhưng cảm giác văn hóa nông thôn vẫn rất rõ nét, và sự hời hợt của việc nửa thành thị nửa quê, nửa tây nửa ta, …giàu nghèo, tri thức, lối sống, lối suy nghĩ, …tất cả chúng đều nửa vời một cách hài hước, đau đớn, nuối tiếc.
Những nét đẹp của làng xưa là mái đình Di tích lịch sử Đình Phương Quan, cây đa giếng nước, nay đã đang được nhà nước trùng tu thành mái gỗ mới tinh, cái màu gỗ bạc thếch xám ghi đã mất đi, những đồ văn hóa thờ cúng mỗi lần lại bị trộm mất, mấy tấm đá điêu khắc hình phù vân không biết còn nguyên vẹn. Hai cây thần Quéo và Sấu cằn cỗi mối đục ruỗng trong thân. Ngôi chùa cạnh đình cũng đã được làm mới từ lâu lắm rồi. (http://hoaiduc.hanoi.gov.vn/di-tich-lich-su/-/view_content/2912079-dinh-phuong-quan.html)


Lễ hội làng lăm năm tổ chức long trọng, chẳng thấy long trọng đâu, chỉ thấy nhàn nhạt cỗ bàn rượu chè bài bạc tối ngày.
Cái tết thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa của Hà Nội, của Bắc Bộ, bà con không còn dắt díu nhau quần quần áo áo xúng xính trên con đường làng, chiếc xe máy có vẻ là công cụ tốt để đạt KPI những nhà ngành trên cần đến. Chóng vánh, tết mấy năm rồi, ngồi góc nhà với một khay hướng dương. Thế là xong cái tết. Nồi bánh chưng xanh chẳng còn, có biết đâu là tranh nhau rửa lá, ngồi xúm lại nghe ông vừa nâng niu khéo léo gói chiếc bánh, vừa ngồi chém gió cùng con cháu. Cũng còn biết thế nào là rủ nhau thức thay phiên trông nồi bánh, và đánh kèm củ khoai nướng thơm phức. Chiếc bánh cua ao ước của tôi!
Phố Làng đã chuyển mình từ những bóng đèn quả nhót đỏ chót, sang những quán karaoke sang xịn mịn hào nhoáng bóng loáng sơn son thiếc bạc. 100 quán hát trong một ngôi làng nhỏ với vài trăm hộ dân. Không biết đã tạm đủ hay chưa. “Chắc hẳn dân làng hát hay lắm”, câu nói ngây ngô hay lời mỉa mai?